#465 Aerogel - Siêu Chất Rắn... Nhẹ Hơn Không Khí,
Vật Liệu Thôn Tính Hỏa Tinh!!!


 
Đây là những sai sót mà tôi rút ra từ kinh nghiệm cá nhân và kinh nghiệm làm editor cho vài tập san y khoa. Những sai sót này cũng hay thấy ở người Việt chúng ta.


Mẹo viết văn khoa học
Chẳng biết nên gọi là ‘hiện tượng’ hay không nhưng sự thật là đa số người trẻ, thậm chí người không trẻ, có vấn đề về viết văn. Tình trạng này không phải chỉ ở Việt Nam, mà còn ở Úc nữa.
1. Vấn đề viết văn
Úc, vấn đề viết văn có vẻ bắt đầu từ bậc trung học. Một nghiên cứu qui mô đi đến kết luận giật gân rằng đa số học sinh lớp 9 ở Úc viết câu văn chỉ ở trình độ lớp 7 [1]. Tệ hơn nữa, dù họ ở lớp 9 nhưng cách dùng dấu chấm câu chỉ bằng học sinh lớp 3! Có người xem sự xuống cấp này là một khủng hoảng trong giáo dục.
Ở cấp đại học, nhiều sinh viên — kể cả sinh viên y khoa — viết văn không mạch lạc. Ngay cả cấp nghiên cứu sinh (tức đã tốt nghiệp cử nhân và cao học) mà vẫn viết văn không thông. Hoặc có khi họ ok với tiếng Anh, nhưng khi viết bài báo khoa học thì họ gặp trở ngại. Thành ra, các đại học phải yêu cầu các nghiên cứu sinh phải học một khoá về ‘Scientific Writing’ trước khi bắt tay vào làm nghiên cứu.
Ở Việt Nam tôi thấy tình hình còn có thể tệ hơn ở Úc. Chỉ cần đọc qua mấy bài nghị luận của các quan chức cao cấp (bộ trưởng, bí thư, tổng bí thư) dễ dàng thấy họ viết rất khó hiểu. Khó hiểu là vì cách cấu trúc đoạn văn rất rườm rà, mà ý tưởng thì lan man, chẳng có logic gì cả. Còn chữ thì thường là ví von, sáo ngữ một cách không cần thiết. Hậu quả là câu chữ nó cứ lòng vòng vì quấn cuốn nhau. Tiếng Anh có một chữ cho cách viết đó: ‘convoluted.’
Cái kiểu viết convoluted đó nó lan tràn sang văn khoa học. Đọc mấy luận án và bài trên các tập san tiếng Việt có khi là một cực hình, vì cách hành văn vi phạm hầu như tất cả qui ước về văn khoa học. Rồi chẳng hiểu từ đâu mà các em nghiên cứu sinh có thói quen mô tả biểu đồ và bảng số liệu y chang như những gì trong bảng biểu! Tức là họ làm dài luận án một cách không cần thiết. Hoặc là họ lẫn lộn giữa 'data' và 'information'?
Mà, ngay cả đọc những bài báo khoa học, ngay cả công bố trên tập san tiếng Anh, có khi rất khó hiểu. Ngạc nhiên một điều là có những bài mà tiếng Anh sai một cách hiển nhiên (như dùng sai thì hiện tại trong báo cáo kết quả) mà vẫn công bố, chứng tỏ tập san quá hời hợt trong bình duyệt. (Dĩ nhiên, ở đây không nói đến những bài trên các tập san danh giá như JAMA, NEJM, Lancet, Nature, Science, eLife, Cell).
Qua làm biên tập cho vài tập san y khoa, tôi phát hiện ra một số sai sót phổ biến trong cách viết văn khoa học của người Á châu (tức kể cả ... tôi). Tôi tóm tắt những sai sót này trong bảng dưới đây để các bạn tham khảo. Ngày xưa tôi cũng viết văn kém lắm, nhưng nhờ có người thầy tuyệt vời nên tôi học được và sau này có dịp chia sẻ lại với các bạn trẻ hơn.
2. Bí quyết viết văn: đoạn văn
Tôi nghĩ 'bí quyết' viết văn là cách viết một đoạn văn. Một bài luận hay báo cáo có nhiều đoạn văn (paragraph). Mỗi đoạn văn có nhiều câu văn (sentence). Thông thường, trong khoa học, mỗi đoạn văn cao lắm là 6-7 câu văn mà thôi. Câu văn phải ngắn (cao lắm là 15 chữ), chớ không dài lê thê như ... mấy nhà văn.
Một đoạn văn phải có 3 phần: chủ đề, chứng cớ, và kết luận. Mỗi đoạn văn phải có câu văn chủ đề, tuyên bố cái ý tưởng mà tác giả muốn nói trong đoạn văn. Sau câu văn chủ đề là những 'câu văn dữ liệu', có nghĩa là những câu văn cung cấp chứng cớ cho câu văn chủ đề. Sau các câu văn dữ liệu là một câu văn kết luận.
Cứ mỗi lần viết xong một đoạn văn, các bạn cần phải đọc lại và đọc lại và đọc lại. Qui trình này cũng giống như người nấu canh chua: sau khi đã cho nguyên liệu vào nồi canh, họ phải liên tục nêm nếm, thêm đường, bớt muối, thêm nước, v.v. cho đến khi nồi canh đậm đà. Viết văn khoa học cũng y như thế, sau khi viết xong một đoạn văn, các bạn cần phải đọc lại nhiều lần và chỉnh sửa. Có 5 câu hỏi tác giả cần phải tự đặt ra là:
• các câu văn đã nói lên cái ý tưởng chưa?
• có câu nào hay chữ nào thừa?
• có chữ nào khó hiểu không?
• có câu văn nào cấu trúc sai văn phạm không?
• cái tone (giọng văn) có ổn chưa?
Sau khi hài lòng với đoạn văn, các bạn có thể viết một đoạn văn khác.
Nhớ hồi xưa đi học, thầy cô chứ nhấn nhá câu “mở bài, thân bài, kết luận” khi học môn văn. Phải mấy chục năm sau tôi mới nhận ra cái ‘chân lí’ này. Vậy mà trong thực tế đa số học sinh, sinh viên, thậm chí người có chức vụ cao quên cái câu ‘thần chú’ đó, và hậu quả là họ không diễn tả được những gì họ muốn diễn tả.
3. Viết văn như ... nấu canh chua
Nấu canh chua là một khoa học và cũng là một nghệ thuật. Để nấu một nồi canh chua hoàn hảo, người thợ nấu phải có một kế hoạch hoàn chỉnh, với những công đoạn theo trình tự có sẵn, gần như lưu truyền từ đời này sang đời khác. Khởi đầu là phải xác định nồi canh cho mấy người ăn, họ là ai, hay nói theo ngôn ngữ đời nay là nghĩ đến "đối tượng". Sau đối tượng là nguyên liệu. Người thợ nấu phải chọn nguyên liệu có phẩm chất tốt, từ con cá, cà chua, bạc hà, giá, khóm, đến rau thơm. Người nấu còn phải nghĩ đến nước soup loại gì để "đi chung" với những nguyên liệu đó. Trong quá trình chế biến, người thợ phải liên tục nêm nếm, thêm cái này, bớt cái kia, cho đến khi nồi canh hoàn hảo.
Viết văn khoa học cũng giống như nấu canh, tức là vừa khoa học vừa là nghệ thuật. Trước hết, người viết cần phải xác định mình viết cho ai đọc, người trong ngành hay người ngoài ngành, viết cho tập san trong "bộ lạc" hay tập san "biển lớn". Xác định đối tượng giúp người viết chọn cách hành văn và chọn thuật ngữ sao cho phù hợp. Chẳng hạn như viết cho người trong ngành, cùng "bộ lạc" (ví dụ như viết cho người trong ngành tim mạch), thì có lẽ người viết không cần phải giải thích những khái niệm cơ bản, không cần phải nói tầm quan trọng của bệnh lí ra sao, vì nói như thế rất dễ bị hiểu lầm là lên lớp. Nhưng nếu viết cho người ngoài ngành, thì có thể cần cung cấp một định nghĩa ngắn về bệnh lí, và nói tầm quan trọng của bệnh ra sao. Do đó, xác định độc giả cũng giống như xác định thực khách của nồi canh chua.
4. Nguyên tắc IDEA
Đọc đến đây các bạn thấy viết văn đúng như là một cách nấu nồi canh chua. Để nấu nồi canh chua, người thợ nấu dĩ nhiên phải có ý tưởng, chất liệu, kĩ năng, nhưng cũng phải có cái nghệ thuật. Viết văn khoa học cũng vậy, vì viết văn đòi hỏi người viết phải:
(a) có ý tưởng (idea), biết mình viết cái gì, đạt mục tiêu gì;
(b) có sẵn dữ liệu (data), tức là phải đọc các nghiên cứu trước, đọc rất nhiều;
(c) có kĩ năng tiếng Anh, tức là cách chọn chữ, cấu trúc câu văn; và
(d) phải có một chút nghệ thuật (art), tức phải tập khiếu thẩm mĩ trong văn chương.
Tôi đặt tên cho nguyên tắc trên là IDEA: Idea + Data + English + Art. Trong 4 nguyên tắc trên, tôi nghĩ đọc là quan trọng nhất. Đọc trước hết là để thu thập dữ liệu, nhưng sau đó là học cách người trước mình viết và diễn giải ra sao. Không có gì hiệu quả hơn là học từ thực tế. Có thể nói không ngoa rằng sự nghiệp học tập của một sinh viên hay nghiên cứu sinh là ... đọc. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà ngày xưa người ta gọi đi học đại học là "read" (chẳng hạn như câu "She read biology at the University of Cambridge").
Viết văn là một nghệ thuật, nhưng viết văn khoa học lại là một khoa học. Bởi vậy một học giả lừng danh từng nói rằng viết là suy nghĩ trên trang giấy -- writing is thinking on paper (còn ngày nay thì viết có nghĩa là suy nghĩ trên ... màn hình). Suy nghĩ mù mờ, hời hợt, thì văn cũng như thế; suy nghĩ rõ ràng và logic sẽ phản ảnh qua cấu trúc một bài báo.
5. Khoá học về viết văn khoa học
Tôi sẽ bàn cụ thể và những ví dụ sinh động cho cách viết văn khoa học trong khoá học 6 ngày về công bố quốc tế tại ĐH Tôn Đức Thắng từ ngày 6/11 đến 12/11/2022. Đường link để các bạn đăng kí ở đây:
Lần này chúng tôi sẽ cấu trúc lớp học khác với mấy năm trước. Ngoài các nguyên lí viết, tôi sẽ nhấn mạnh đến cách viết bằng tiếng Anh với những ví dụ cụ thể để các bạn có thể viết được ngay.