https://www.facebook.com/anhson.tranduc/posts/pfbid02dkYK3QmWqaTNQTFHERnXhyEYd2MihXH7LUui4odCTi1HXnrSLZyXkhACFxi1PxFQl

Anh Son Tran Duc

 
DƯƠNG LỊCH và ÂM LỊCH
Tác giả: TS. NGUYỄN BÁCH PHÚC
Người Việt Nam thường sử dụng cả Dương lịch và Âm lịch, nhưng phần nhiều không để ý tìm hiểu, không biết được bản chất của hai thứ Lịch này.
Nhiều người không những không hiểu, mà còn hoàn toàn hiểu sai, kể cả một số nhà khoa học lớn, có học hàm, học vị cao và chức vụ lớn. Tai hại của chuyện này là người bình thường nghe các cụ ấy nói, lại tưởng đó là chân lý bất di bất dịch, và cái sai trái ấy được lan truyền rất rộng rãi khắp đất nước.
1. DƯƠNG LỊCH LÀ GÌ?
Dương lịch là việc phân chia sắp xếp thời gian thành Ngày, Tháng, Năm, theo vòng quay của Trái đất quanh Mặt trời. “Dương lịch” tiếng Anh là “Calendar”; tiếng Nga là “календарь”, tiếng Trung Quốc là “日曆” (“Nhật lịch”, nghĩa là “Lịch Mặt trời”).
2. ÂM LỊCH LÀ GÌ?
Âm lịch là việc phân chia sắp xếp thời gian thành Ngày, Tháng, Năm theo vòng quay của Mặt trăng quanh Trái đất. “Âm lịch” tiếng Anh là “Lunar calendar”, nghĩa là “Lịch trăng”, tiếng Nga là “Лунный календарь” (nghĩa là “Lịch theo trăng”), tiếng Trung Quốc là “陰曆” (“Âm lịch”).
3. Tại sao người Việt Nam lại gọi “Âm lịch” và “Dương lịch”? Hai từ này là tiếng Hán, chứ không phải là tiếng Việt, “Lịch” (曆, 历) trong tiếng Hán là “sắp xếp giờ giấc”; “Dương” (陽, 阳), và “Âm” (陰, 阴) là hai từ của Kinh Dịch xưa của người Tàu. Kinh Dịch cho rằng mọi vật, mọi hiện tượng trong Vũ trụ này được tạo thành bởi hai mặt đối lập, gọi là hai mặt “Dương” và “Âm”. Ví dụ: “Con người và mọi sinh vật” đều gồm hai giới, “Dương” là đàn ông, là giống đực, “Âm” là đàn bà, là giống cái. Thiên văn cổ với hiểu biết thô sơ, cho rằng Trái đất là trung tâm Vũ trụ, còn có hai thiên thể lớn nhất Vũ trụ là Mặt trăng và Mặt trời, và họ nghĩ rằng đây là hai vật thể đối lập, họ gọi Mặt trời là “Thái Dương”, Mặt trăng là “Thái Âm”, với chữ “Thái” (太) trong tiếng Tàu nghĩa là “rất lớn”, “vượt mức”
Từ xưa người Trung Hoa đã biết làm Lịch, theo vòng quay của Mặt trăng quanh Trái đất. Về sau, tới khi người Trung Hoa tiếp thu Lịch Mặt trời của phương Tây, thì họ gọi Lịch Phương Tây là “Nhật lịch” (日曆, 日历) hoặc đôi khi gọi là “Dương lịch” ((陽曆, 阳历), và gọi Lịch của họ là “Âm lịch” (陰历, 阴历) và đôi khi gọi “Nguyệt lịch” (月曆, 月历).
Người Việt Nam học theo tiếng nói của người Trung Hoa, là Âm lịch và Dương lịch. Còn đôi khi gọi Dương lịch “Lịch Tây”, còn “Âm lịch” là “Lịch Ta”. Thực ra nói “Lịch Ta” là không chính xác, vì không có Lịch của người Việt Nam, mà chỉ có Lịch Tây của người Tây và Lịch Tàu của người Tàu.
4. NHỮNG NÉT CỐT LÕI CỦA VIỆC LÀM LỊCH
Thứ nhất: Đo thời gian quay được 1 vòng của Mặt trời và của Mặt trăng.
Thứ hai: Qui định số tháng của một năm, để tính ra số ngày của 1 tháng
Thứ ba: Qui định thứ tự của năm, để xác định vị trí của một năm cụ thể trong suốt hàng ngàn triệu năm.
5. VỚI LỊCH MẶT TRỜI
Bình thường chúng ta tưởng Mặt trời quay quanh Quả đất, nhưng thực ra Quả đất quay quanh Mặt trời. Hơn hai ngàn hai trăm năm trước, người Tây đã đo được thời gian đó, là 365 ngày, và qui định đó là 1 năm.
Mỗi năm họ chia làm 12 tháng, mỗi tháng hơn 30 ngày rưỡi, và để làm tròn số ngày của tháng, họ quy định chặt chẽ như sau: Tháng Giêng 31 ngày, tháng Hai 28 ngày, tháng Ba 31 ngày, tháng Tư 30 ngày, tháng Năm 31 ngày, tháng Sáu 30 ngày, tháng Bảy 31 ngày, tháng Tám 31 ngày, tháng Chín 30 ngày, tháng Mười 31 ngày, tháng Mười Một 30 ngày, tháng Mười Hai 31 ngày.
Và qui định mỗi tuần có 7 ngày, mỗi ngày có 24 giờ.
Vài trăm năm sau khi Giê-su chết, Giáo hội phương Tây thống nhất chọn 1 thời điểm làm ngày đầu tiên của Dương lịch. Họ đã chọn sau ngày sinh của Giê-su 1 tuần, gọi là Ngày Đầu tiên của Dương lịch, tức là ngày mồng một tháng Giêng năm thứ nhất (số 1).
Sinh thời của Giê-su chưa có Lịch Tây này, nên Giáo hội không biết gọi ngày sinh của Giê-su là ngày bao nhiêu tháng năm nào. Sau khi có qui định kể trên thì mới có ngày sinh của Giê-su là 25/12 năm -1. Cũng nhờ qui định này mà người ta mới có thứ tự của năm, và có thể xác định vị trí của một năm cụ thể trong suốt hàng ngàn triệu năm.
Khoảng thế kỷ thứ 6 người phương Tây đo đạc lại, kết quả là thời gian quay quanh Mặt trời của Quả đất chính xác hơn số cũ trước Công nguyên (365 ngày), là 365 ngày 6 giờ. Như vậy nếu lấy một năm chỉ 365 ngày như Lịch cũ, thì mỗi năm sẽ thiếu đi 6 giờ, sau 4 năm sẽ thiếu đi 24 giờ, bằng 1 ngày. Việc này dẫn đến 1 hệ quả nghiêm trọng, là sau 120 năm Lịch sẽ bị sai lệch mất 1 tháng, và sau (120 năm x 6) = 720 năm Lịch sẽ lệch đi 6 tháng, nghĩa là đảo lộn 4 mùa, mùa đông vào tháng 6 và mùa hè vào tháng 12. Giáo hội đã quyết định sửa Lịch như sau: Cứ 4 năm thì thêm vào 1 ngày, là ngày 29/2. Người Việt Nam nói theo tiếng Tàu, gọi ngày “thừa” này là ngày “nhuận 閏” và tháng 2 Dương lịch là tháng “nhuận”. Tiếng Tàu, chữ “Nhuận” “閏” nghĩa là “xen vào giữa, thừa ra”.
Khoảng thế kỷ thứ 9, người ta đo lại thời gian quay 1 vòng quanh Mặt trời của Trái đất không phải là 365 ngày 6 giờ, mà chính xác hơn là 365 ngày 5 giờ 48 phút 16 giây. So với số đo cũ, 365 ngày 6 giờ, thì thừa ra: 6 giờ - (5 giờ 48 phút 16 giây) = 11 phút 44 giây.
Người ta đã tính cách bù trừ như sau: cứ 400 năm, nếu theo lịch cũ thì sẽ thừa ra: (11 phút 44 giây) x 400 năm = 78 giờ = 3 ngày + 6 giờ.
Giáo hội phương Tây quyết định sửa Lịch như sau:
- Cứ 400 năm (4 Thể kỉ) thì bỏ bớt đi 3 ngày nhuận, 29/2 của 3 thế kỷ. Ba ngày bị bỏ này được qui định là ngày nhuận đầu tiên, của năm đầu tiên, của những thế kỷ có số thứ tự không chia hết cho 4. Qui định này giúp bỏ bớt được 3 ngày x 24 giờ = 72 giờ. Vẫn còn dư 6 giờ, vẫn còn phải tìm cách bỏ đi 6 giờ này.
- 400 năm còn dư 6 giờ, vậy thì phải mất bao nhiêu năm để số dư là 24 giờ của 1 ngày: Số năm tương ứng với số dư còn lại: 24 giờ/ 6 giờ x 400 năm = 1600 năm.
Từ đây Giáo hội La Mã còn phải thêm 1 qui định, cứ 16 thế kỷ, 1.600 năm, thì phải bỏ thêm 1 ngày nhuận. Cụ thể là năm đầu tiên của thế kỷ 17, là năm 1600, đáng lẽ phải bỏ ngày nhuận 29/2 (theo qui định Lịch cũ), nhưng không bị bỏ.
Câu chuyện Lịch cũ - Lịch mới này đã dẫn đến nhiều chuyện “tréo ngoe” trong lịch sử. Ví dụ: “Cách mạng tháng 10 Nga” ngày 25/10/1917, lại diễn ra vào ngày 7/11/1917 theo lịch mới.
Khoảng thế kỷ 8 đã phát sinh mâu thuẫn rất lớn trong nội bộ Giáo hội, Giáo hội Giê-su bị chia làm hai: Giáo hội phương Tây với trung tâm là thành phố La mã (Roma, nước Ý), và Giáo hội phương Đông, với trung tâm là thành phố Constantinop. Nguyên nhân của sự phân chia là, phe phương Đông phê phán phe phương Tây về những “cải cách”, mà theo họ đã hủy hoại giáo lý cơ bản của Giê-su; còn phe phương Đông kiên trì giữ nguyên giáo lý cơ bản của Giê-su, tự cho mình là “Chính thống giáo”.
Một trong những phê phán của phương Đông, là phương Tây đã sửa đổi Lịch cũ thành Lịch mới. Còn phe Chính thống phương Đông kiên trì sử dụng lịch cũ. Trung tâm của phe phương Đông khoảng thế kỷ 13 đã chuyển sang Thành phố Moscow của Đế quốc Nga. Nhà nước Nga cũng chỉ công nhận Lịch cũ.
Đến Thế kỷ 20 Lịch mới đã bỏ đi 16 ngày nhuận (của năm 100, 200, 300, 500, 600, 700, 900, 1000, 1100, 1300, 1400, 1500, 1600, 1700, 1800, 1900), dẫn đến kết quả là Lịch mới “chạy trước” Lịch cũ 16 ngày, ngày 7/11/1917 chạy trước ngày 25/10/1917 đúng 16 ngày.
6. VỚI LỊCH MẶT TRĂNG
Hơn 2.000 năm trước người Trung Hoa đã đo được Tuần Trăng (khoảng thời gian giữa hai kì trăng tròn), là 29 ngày rưỡi. Họ gọi thời gian này là 1 tháng. Cho nên trong tiếng Tàu chữ “Tháng” và chữ “Trăng” là cùng một chữ “Nguyệt” (月), chứ không phải như trong tiếng Việt, “Tháng” và “Trăng” là hai Từ khác nhau, thể hiện hai khái niệm khác nhau.
Để làm tròn số ngày trong 1 tháng, Lịch Tàu qui định Tháng Lớn (Đại Nguyệt, 大月) có 30 ngày, Tháng Nhỏ (Tiểu Nguyệt, 小月) có 29 ngày, người Việt Nam dùng Lịch Tàu gọi là “Tháng đủ” và “Tháng thiếu”. Họ quan sát thấy khí hậu thay đổi tuần hoàn với chu kì khoảng 12 tháng, từ đó Lịch Tàu qui định 1 năm có 12 tháng.
Lịch này giúp con người xác định được chính xác ngày nào Trăng tròn, và ngày nào Thủy triều trên biển dâng cao nhất, ngoài ra không liên quan gì đến thời tiết, khí hậu, mùa màng, nông nghiệp …
Có thể gọi Lịch này là “Âm Lịch Nguyên Thủy”.
Với Lịch này, mỗi năm chỉ có 12 tháng x 29,5 ngày/tháng = 354 ngày. Nếu so với chu kỳ biến đổi khí hậu trên mặt đất, thì mỗi năm bị thiếu mất 365 ngày - 354 ngày = 11 ngày, sau ba năm sẽ thiếu mất 1 tháng. Và như vậy sau (3 năm) x 6 = 18 năm thì Lịch sẽ sai lệch với thiên nhiên 6 tháng, nghĩa là 4 mùa sẽ đảo lộn, tháng 6 là mùa đông, tháng 12 là mùa hè.
Hiện nay trên thế giới vẫn tồn tại “Âm Lịch Hồi giáo”, giống hệt “Âm Lịch Nguyên Thủy” của người Tàu.
Sau nhiều năm quan sát, người Tàu thấy 1 năm nếu chỉ 12 tháng thì không phù hợp với sự biến đổi thiên nhiên, và họ qui định gần đúng, cứ ba năm thì phải thêm 1 tháng nhuận.
Khoảng hơn 1.000 năm trước các nhà khoa học Thiên văn của các đài thiên văn của Hoàng đế Trung Hoa đã quan sát, đo đạc, và họ cũng đã có kết quả giống như Lịch phương Tây, là một năm có 365 ngày 6 giờ, và thời gian quay vòng trung bình của Mặt trăng quanh Quả đất là 29,534 ngày
Nhưng người Trung Hoa không hủy bỏ Lịch Tàu, mà họ cải tiến nâng cao “Lịch Tàu Nguyên thủy” thành “Âm Lịch”, và gọi chính xác Lịch này là “Âm - Dương Lịch” (陰 陽 曆, 阴 阳 历). Ngày nay Âm lịch mà người Việt chúng ta đang sử dụng, chính là “Âm - Dương Lịch” của người Trung Hoa.
7. GIỐNG NHAU GIỮA “DƯƠNG LỊCH” VÀ “ÂM - DƯƠNG LỊCH” TRUNG HOA
- Thời gian của 1 năm là 365 ngày 5 giờ 48 phút 16 giây
- Mỗi năm có 12 tháng.
- Dương lịch chia mỗi ngày thành 24 giờ, với 12 giờ buổi sáng (AM) và 12 giờ buổi chiều (PM), tên gọi của mỗi giờ theo thứ tự, từ 0 giờ đến 23 giờ. Âm Dương Lịch chia mỗi ngày thành 12 giờ với những tên gọi riêng cho từng giờ, liên quan chặt chẽ với 24 giờ Dương lịch: Giờ Tý từ 0 giờ đến hết 1 giờ, giờ Sửu từ 2 giờ đến hết 3 giờ, giờ Dần từ 4 giờ đến hết 5 giờ, giờ Mão từ 6 giờ đến hết 7 giờ, giờ Thìn từ 8 giờ đến hết 9 giờ, giờ Tỵ từ 10 giờ đến hết 11 giờ, giờ Ngọ từ 12 giờ đến hết 13 giờ, giờ Mùi từ 14 giờ đến hết 15 giờ, giờ Thân từ 16 giờ đến hết 17 giờ, giờ Dậu từ 18 giờ đến hết 19giờ, giờ Tuất từ 20 giờ đến hết 21 giờ, giờ Hợi từ 22 giờ đến hết 23 giờ.
8. KHÁC NHAU GIỮA “DƯƠNG LỊCH” VÀ “ÂM - DƯƠNG LỊCH” TRUNG HOA:
* Việc làm Lịch:
Làm Lịch Tây vô cùng đơn giản, chỉ cần tuân thủ 1 số qui định như đã nói ở phần trên (mục 5). Nên bất cứ ai cũng có thể “nhắm mắt” viết ra đầy đủ chính xác Lịch của một năm nào đó, của quá khứ và cả của tương lai. Còn làm Âm - Dương lịch, công việc không đơn giản một tí nào, với hàng ngàn bài tính phức tạp, rắc rối, liên quan đến những thông số Thiên văn Địa lý của Mặt trăng, Trái đất, Mặt trời, và rất nhiều mối liên quan, rất nhiều qui ước vô cùng phức tạp.
Lưu ý rằng, làm Âm - Dương lịch là phải sử dụng “bài toán 3 vật thể trong không gian”, bài toán này đến nay khoa học của nhân loại vẫn chưa giải được trọn vẹn, mặc dù đã được những nhà Toán học giỏi nhất thế giới dày công nghiên cứu hàng ngàn năm nay.
Hàng năm, để lập nên Âm - Dương lịch của năm tiếp theo, phải mở hội nghị, tập hợp những nhà làm Lịch chuyên nghiệp, kỳ cựu, thảo luận, tính toán.
Lịch này cũng có lắm chuyện “tréo ngoe”. Ví dụ Lịch năm Mậu Thân (1968), Miền Bắc theo múi giờ thứ 7, còn Miền Nam theo múi giờ thứ 6, theo đúng qui tắc tính toàn làm Âm - Dương lịch, thì ngày Âm lịch của 2 miền chênh lệch nhau 1 ngày, dẫn đến kết quả: ngày 30 Tết của Miền Bắc lại là ngày 01 Tết của Miền Nam!
- Ngày Tiết: Dương lịch có 8 “ngày Tiết”, 8 “ngày Tiết” này giúp xác định 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trên Trái đất:
Trái đất tự quay xung quanh theo trục Bắc - Nam, 1 vòng hết 24 giờ, tạo ra ngày và đêm.
Đồng thời Trái đất quay vòng quanh Mặt trời trong 365 ngày và gần 6 giờ, tạo thành 1 năm. Mặt phẳng mà Trái đất quay quanh Mặt trời gọi là Mặt phẳng Hoàng đạo. Trong suốt quá trình quay quanh Mặt trời, trục tự quay Bắc - Nam của Trái đất luôn giữ một Phương không đổi, Phương này lệch với mặt phẳng Hoàng đạo 23 độ rưỡi.
Nhờ có độ lệch này mà trên mặt của Quả đất có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Nếu không có độ lệch này thì trên Mặt đất không có 4 mùa, quanh năm khí hậu như nhau.
Dương lịch gọi ngày bắt đầu Mùa Xuân là ngày Lập Xuân, ngày chính giữa Mùa Xuân là ngày Xuân Phân; ngày bắt đầu Mùa Hạ là ngày Lập Hạ, ngày chính giữa Mùa Hạ là ngày Hạ Chí; ngày bắt đầu Mùa Thu là ngày Lập Thu, ngày chính giữa Mùa Thu là ngày Thu Phân; ngày bắt đầu Mùa Đông là ngày Lập Đông, ngày chính giữa Mùa Đông là ngày Đông Chí.
Những Ngày Tiết này hoàn toàn xác định bởi vị trí của Quả đất trong vòng quay quanh Mặt trời. Mỗi mùa có hơn 91 ngày, và mỗi Ngày Tiết nói trên cách nhau hơn 45 ngày. Tám Ngày Tiết này gần như cố định trong Dương lịch: Lập xuân ngày 6/2, Xuân Phân ngày 21/3, Lập hạ ngày 6/5, Hạ chí ngày 21/6, Lập thu ngày 6/8, Thu Phân ngày 21/9, Lập Đông ngày 6/11, Đông chí ngày 21/12. Do có những năm nhuận nên tám Ngày Tiết này có thể lệch đi, chậm mất 1,2 ngày.
Âm - Dương lịch cũng có tám Ngày Tiết như vậy. Nhưng trong Âm - Dương lịch, ngày tháng không được sắp xếp thứ tự chặt chẽ như trong Dương lịch, mà biến hóa vô cùng rắc rối, cho nên các nhà làm Lich phải hết sức khốn khổ mới tính ra được ngày Âm lịch của tám ngày Tiết. Tám Ngày Tiết đó không cố định như trong Dương lịch, mà mỗi năm một khác. Cho nên muốn biết Ngày Tiết là ngày nào trong năm Âm lịch thì chỉ có một cách duy nhất là đọc Lịch của năm đó.
Về sau người Trung Hoa có một cách xác định Ngày Tiết dễ dàng hơn, khỏi phải tính toán phức tạp, là đem so sánh Âm - Dương lịch mà họ vất vả tạo ra hàng năm, với Dương lịch của năm tương ứng, rồi gán Ngày Tiết của Dương lịch vào Âm - Dương lịch của họ.
Đại đa số người Việt Nam không biết về câu chuyện Ngày Tiết này, cứ tưởng Ngày Tiết là của Âm lịch Trung Hoa. Ở Việt Nam ngay cả nhiều nhà làm Lịch cũng không biết điều này, nên khi in Lịch, cứ gán Ngày Tiết cho Âm lịch.
Âm - Dương lịch của Trung Hoa còn thêm 16 ngày Tiết, chen vào giữa tám Ngày Tiết kia, họ chia khoảng cách giữa hai Ngày Tiết của Dương lịch làm ba phần đều nhau, rồi chèn thêm hai Ngày Tiết của họ. Thực ra 16 Ngày Tiết chèn vào này cũng giống 8 Ngày Tiết trên kia, họ không cần tính toán mệt nhọc, mà chỉ cần so sánh với Lịch Tây để chọn ngày tương ứng.
* Việc đặt tên năm:
Dương lịch không đặt tên riêng cho từng năm, mà gọi năm theo thứ tự, từ năm số 1 trở đi, cách gọi tên này thật đơn giản, nhưng lại vô cùng thuận lợi và chính xác, giúp người ta dễ dàng xác định được các sự kiện xảy ra trong thời kì lịch sử nào của nhân loại, của dân tộc, của dòng họ, của cá nhân.
Còn Âm - Dương lịch đặt tên theo “Thiên Can Địa Chi”: có 10 “Can”: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, và 12 “Chi”: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Tên của 1 năm được ghép bởi 1 từ thuộc “Can” và 1 từ thuộc “Chi”, ví dụ: năm Quang Trung lên ngôi Hoàng Đế, là năm Mậu Thân. Cách đặt tên này không giúp người ta biết gì, ví dụ: không biết việc đấy cách đây bao nhiêu năm, còn Lịch Tây ghi là năm 1788, rất dễ hiểu.
Cách đặt tên này còn qui định: 6 “Can” với số thứ tự lẻ chỉ được ghép với 6 “Chi” với thứ tự lẻ, 6 “Can” với số thứ tự chẵn chỉ được ghép với 6 “Chi” vói thứ tự chẵn. Kết quả là Âm - Dương lịch chỉ vẻn vẹn có 60 tên năm. Cứ sau 60 năm, tên năm lại bị lặp lại. Hậu quả là, trong vòng 300 năm có 5 năm khác nhau nhưng lại mang cùng 1 cái tên, trong vòng 2.400 năm có 40 năm khác nhau nhưng lại mang cùng 1 cái tên, biết đằng nào mà lần !
Có tên Can Chi cùa năm rồi, để có thể xác định vị trí của năm đó trong chiều dài của lịch sử, thì Âm lịch phải kèm theo 1 thông tin nữa, là năm ấy vào đời vua nào của Trung Hoa, hoặc đời vua nào của Việt Nam. Ví dụ: năm Quang Trung lên ngôi Hoàng Đế, là năm Mậu Thân, phải thêm thông tin: Đời Nhà Thanh Trung Hoa, Vua Thanh Cao Tông, Niên hiệu Kiền Long, năm thứ 43. Khi có đủ 2 thông tin nàyrồi, còn phài tra Bảng đối chiếu giữa các đời vua với năm Dương lịch, kết quả đối chiếu sẽ là, Quang Trung lên ngôi Hoàng Đế năm 1788.
Chuyện xác định năm Âm lịch thật sự rắc rối, nhất là không phải ai cũng có Bảng tra đối chiếu giữa các đời vua với năm Dương lịch.
Tên năm Can Chi còn gây ra một hệ lụy rất đáng buồn, 12 Can ứng với 12 con vật: Tý - Chuột, Sửu – Trâu, Dần - Hổ, Mão - Mèo, Thìn - Rồng, Tỵ - Rắn, Ngọ - Ngựa, Mùi - Dê, Thân - Khỉ, Dậu - Gà, Tuất - Chó, Hợi - Lợn.
Mê tín dị đoan cùng với thói quen và niềm tin hoang sơ vào Âm lịch, đã khiến đa số người Việt Nam đinh ninh rằng ai sinh ra vào năm con vật nào , thì thân phận gắn liền với thân phận vật con đó, nhiều người buồn vì số phận mình là số phận của loài Chó Lợn Trâu Ngựa Chuột Gà, nhiều người hí hửng vì số phận mình là số phận của loài Rồng, loài Hổ !
9. NHỮNG NHẬN THỨC SAI VỀ ÂM LỊCH:
- Nhiều người nghĩ rằng Âm lịch là của người Việt Nam, là hoàn toàn sai.
Từ khi người Trung Hoa xâm lược và thống trị nước ta, họ ra sức đồng hóa nước ta về mọi mặt, văn hóa, ngôn ngữ… Riêng về ngôn ngữ, trong tiếng Việt mà chúng ta đang nói hàng ngày hiện nay, có hơn 70% là tiếng Tàu, gần 30% là tiếng thuần Việt.
Từ vốn tiếng thuần Việt mà chúng ta giữ lại được đến ngày nay, có thể thấy rằng, trước khi người Trung Hoa xâm lược và thống trị nước ta, dân ta đã có những khái niệm rất rõ ràng chính xác về giờ giấc, ngày đêm, năm, tháng, mùa, là những khái niệm cơ bàn để có thể làm nên Lịch, nhưng lúc đó dân ta chưa biết làm Lịch.
- Nhiều người nghĩ rằng Âm lịch là Nông Lịch, là hoàn toàn sai.
Nhiều người ngày nay vẫn lầm tưởng như người cổ đại, rằng có hai thiên thể lớn nhất là Mặt trời và Mặt trăng. Nhưng thực ra Mặt trời lớn gấp khoảng 10 triệu lần Mặt trăng, Mặt trời là nguồn phát ra năng lượng và ánh sáng, còn Mặt trăng thì bé tẹo, không phát ra ánh sáng, mà chỉ phản chiếu ánh sáng của Mặt trời. Mọi tác động lên thiên nhiên và sinh quyển (kể cả nông nghiệp) trên Mặt đất đều xuất phát từ Mặt trời. Mặt trăng chỉ tác động lên Mặt đất hai việc, một là trăng sáng ban đêm, sáng nhất là đêm Rằm, hai là thủy triều trên biển lên xuống theo tuần trăng, triều lên cực đại vào ngày Rằm. Ngoài ra các loại sinh vật sống trong nước biển, về mặt sinh học cũng chịu tác động của thủy triều, tức là tác động của Mặt trăng. Ví dụ: Tôm cua lột vỏ theo tuần trăng.
Âm lịch phân chia thời gian theo tuần trăng, ngày tháng của Âm lịch hoàn toàn phụ thuộc vào vị trí tương đối giữa Mặt trăng và Quả đất, trong khi Mặt trăng không có tác dụng gì đối với Nông nghiệp. Nhưng nhiều người Việt Nam vẫn gọi Âm lịch là Nông Lịch, kể cả người Trung Hoa ngày nay (農曆, 农 历), và lầm tưởng tin rằng làm nghề Nông phải tuân thủ Âm lịch.
Cái lầm tưởng này có lẽ xuất phát từ chỗ, Âm lịch Trung Hoa có chèn thêm 16 Ngày Tiết, tên của mỗi Ngày Tiết nghe ra có vẻ liên quan đến Nông nghiệp và trồng trọt, đó là:
1. Vũ thủy: Vũ Thủy là thời tiết mưa ẩm ướt, mưa phùn, có gió thổi nhẹ.
2. Kinh trập: sâu nở
3. Thanh minh: bầu trời quang đãng
4. Cốc vũ: mưa lớn
5. Tiểu mãn: lũ nhỏ
6. Mang chủng: thu hoạch ngũ cốc
7. Tiểu thử: nắng nhẹ
8. Đại thử: nắng nhiều
9. Xử thử: hết nóng
10. Bạch lộ: bắt đầu sương mù
11. Hàn lộ: sương mù lạnh giá
12. Sương giáng: sương mù dày đặc
13. Tiểu tuyết: Tuyết nhỏ
14. Đại tuyết: tuyết lớn
15. Tiểu hàn: hơi lạnh
16. Đại hàn: rấtt lạnh
Hơn nữa tên gọi và ý nghĩa của các Ngày Tiết này chỉ phù hợp với 1 địa phương hẹp chứ không phải phù hợp với toàn cầu. Ví dụ: Địa phương ở Bắc bán cầu hoàn toàn ngược với các địa phương ở Nam bán cầu, hoặc ở Việt Nam hoàn toàn không có tuyết, ở Nam bộ Việt Nam không có Đại hàn, Tiểu hàn như ở Bắc bộ.
- Bói toán theo ngày tháng năm Âm lịch là hoàn toàn dị đoan:
Các “Thầy” làm nghề bói toán, như “Thầy bói”, “Thầy số”, “Thầy cúng”, “Thầy chùa”, đều lấy ngày tháng năm Âm lịch làm cơ sở cho việc bói toán, nhưng như đã phân tích ở trên (mục 😎, Âm lịch cứ 60 năm lại lặp lại, nghĩa là theo Âm lịch chu kỳ hoạt động của thiên nhiên là 60 năm, điều này không hề có, mà chỉ là sự quy định tùy tiện của Âm lịch. Kết quả là bói toán theo ngày tháng năm Âm lịch là không có căn cứ khoa học, không có căn cứ thực tiễn.
10. MỘT VÀI KIẾN NGHỊ
Từ những thôn tin đã trình bày trong 9 mục nói trên, chúng tôi mạ muội đề xuất mấy kiến nghị.
- Hoàn toàn bỏ Âm lịch, chỉ dùng Dương lịch:
Ở Trung Hoa, năm 1911 Lãnh tụ cách mạng Tôn Trung Sơn, lãnh đạo thành công Cách mạng Tân Hợi, lật đổ chế độ phong kiến hàng ngàn năm, lên ngôi Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, đã ra lệnh chính quyền nhà nước chỉ dùng Dương lịch, và khuyến cáo nhân dân không nên dùng Âm lịch.
Ở Việt Nam tháng 3/1945 Thủ tướng Chính phủ Đế quốc Việt Nam Trần Trọng Kim đã quyết định tương tự như Tổng thống Trung Hoa năm 1911.
Cũng ở Việt Nam, tháng 9/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định không dùng Âm lịch trong công vụ, nhưng không khuyến cáo nhân dân không nên dùng Âm lịch.
Bỏ Âm lịch, chỉ dùng Dương lịch, thì trong Dương lịch hàng tháng ghi thêm Ngày Trăng Tròn. Việc thêm thông tin này không có gì khó, không phức tạp như làm Âm lịch, bởi vì Dương lịch đã biết chính xác thời gian Mặt trăng quay quanh Quả đất là khoảng 29 ngày rưỡi. Khi biết ngày trăng tròn trong tháng này, thì có thể biết chắc chắn ngày trăng tròn của tháng tiếp theo.
Người Việt Nam có tục làm Giỗ Tổ Tiên, với ý nghĩ rằng ngày Giỗ là ngày hàng năm tưởng nhớ người đã khuất, vào đúng ngày ra đi. Phong tục Việt Nam lại lấy ngày Âm lịch là ngày Giỗ, nhưng như đã phân tích ở trên, một năm Âm lịch không đúng với một năm của trời đất, ngày Giỗ của năm nay theo Âm lịch, và ngày Giỗ năm sau theo Âm lịch sai lệch nhau hơn 10 ngày của tự nhiên, nghĩa là người Việt mỗi năm làm Giỗ vào những ngày khác nhau, hàng năm phải đọc Âm lịch để biết ngày Giỗ là ngày nào.
Cho nên, nếu người Việt tự quy định lại, làm Giỗ Tổ Tiên vào ngày tháng Dương lịch của ngày từ trần, thì Lễ Giỗ mới đúng là Lễ kỷ niệm ngày Cha ông đi xa.
Người Việt Nam rất coi trọng ngày Tết, coi ngày Tết là ngày Lễ lớn nhất và nhiều ý nghĩa nhất trong mỗi năm. Thực chất ngày Tết chỉ là ngày mở đầu của một năm, ngày mồng một tháng giêng. Từ khi người Việt Nam dùng Lịch của người Tàu, thì bắt đầu ăn Tết vào ngày mồng một tháng giêng của Lịch Tàu, ngày đó người Tàu gọi là Nguyên Đán (元旦, nghĩa là ngày thứ nhất), hoặc là Xuân Tiết (春節, 春节, nghĩa là ngày lễ mùa Xuân), và người Việt Nam cũng gọi ngày Tết là Tết Nguyên Đán. Như đã phân tích ở trên ngày tháng theo Âm lịch không gắn liền với trời đất, thiên nhiên, khí hậu, nên hàng ngàn năm nay dân tộc ta ăn Tết vào ngày vô định của thiên nhiên, trời đất.
Bỏ Âm lịch, chỉ dùng Dương lịch, thì đương nhiên ngày Tết sẽ là ngày mồng Một tháng giêng Dương lịch, Ngày Tết cổ truyền vô cùng ý nghĩa của chúng ta vẫn giữ được nguyên vẹn là ngày Tết đầu năm, là Nguyên Đán, không mất mát thay đổi gì cả.
Nhân đây xin nói thêm một chút, năm 2005 GS.TS. Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học lớn, một nhà yêu nước chân chính, một người đã có nhiều cống hiến lớn cho nền khoa học của Việt Nam và của nhân loại, đã đề xuất “bỏ ăn Tết Âm lịch, chỉ ăn Tết Dương lịch”. Ý tưởng này đã làm xôn xao ầm ĩ công luận, với 1 phe ủng hộ và 1 phe phản đối. Cho đến gần đây có người còn kiến nghị Nhà nước tước bỏ học hàm học vị của GS. Xuân; có người còn kiến nghị thu hồi lương hưu của Cụ.
Thực ra, nếu Cụ Xuân chỉ đề nghị “bỏ dùng Âm lịch, chỉ dùng Dương lịch”, thì chắc mọi việc sẽ ổn thỏa, KHÔNG AI CÓ LÝ SỰ GÌ ĐỂ PHẢN ỨNG NGƯỢC !
- Cải tiến một chút cho Dương lịch hiện nay:
Dương lịch hiện nay, như đã phân tích ở trên, là hết sức khoa học, hết sức hoàn chỉnh, hết sức thuận lợi cho người dùng.
Nhưng trong Dương lịch hiện nay có 1 điểm chưa thuận tiện. Đó là, mỗi năm có 365 ngày hoặc 366 ngày, trong khi mỗi tuần lễ có 7 ngày, mỗi năm có 365/7 ngày thành 52 tuần lễ, dư 1 ngày l, dẫn đến tình trạng, “Thứ trong tuần” của “Ngày, Tháng” năm nay sẽ lệch với “Thứ trong tuần” của cùng “Ngày, Tháng” của năm sau, ví dụ: ngày mồng một tháng Giêng năm 2023 là ngày Chủ nhật, thì ngày mồng một tháng Giêng năm 2024 sẽ là ngày Thứ hai. Điểm này làm mất tính đồng nhất của Dương lịch, Lịch năm này vẫn khác Lịch năm nọ, gây bất tiên cho người dùng.
Có một cách khắc phục, hết sức đơn giản, là quy định ngày cuối cùng của năm: ngày 31/12, sẽ được đặt tên bằng một tên riêng nào đó, không nằm trong bảy “Thứ” của tuần lễ, ví dụ đặt tên là “Thứ Cuối năm”, thì tuần lễ cuối cùng của năm sẽ có 8 ngày, và Ngày mồng Một tháng Một của năm sau sẽ cùng Thứ với Ngày mồng Một tháng Một của năm trước. Kết quả là, tất cả các Ngày Tháng của năm sau sẽ có cùng Thứ với tất cả Ngày Tháng của năm trước, và Dương Lịch sẽ là 1 Bản đồng nhất cho muôn đời! Quy định tuần lễ cuối cùng có 8 ngày, 8 “Thứ”, không có gì là “khác thường”, vì giống như trong Dương lịch hiện nay, quy định năm nhuận có 29 ngày.
Với cải tiến này, phải có thêm quy định: “Ngày nhuận” 29/2 sẽ có tên “Thứ” riêng, ví dụ “Thứ nhuận”, chứ không phải là “Thứ” tiếp theo của Ngày 28/2, và như vậy, Tuần lễ có Ngày nhuận sẽ có 8 ngày.
HY VỌNG 2 KIẾN NGHỊ TRÊN SẼ ĐƯỢC MỌI NGƯỜI ỦNG HỘ!
N.B.P.