Nguyễn Tuấn

Qui tắc Tam Khoa
Qui tắt Tam khoa (Rule of Three) phát biểu rằng con người có thể nhớ 3 thông tin rất tốt; nếu thêm hơn 3 thông tin thì thông điệp sẽ dễ bị quên lãng. Qui tắt Tam khoa có nhiều ứng dụng trong nhiều lãnh vực, kể cả kĩ năng thông tin và viết lách.
Trước khi bàn qua Qui tắc Tam khoa (Rule of Three), có lẽ chúng ta cần một chút lí thuyết liên quan đến bộ não. Một trong những chức năng chủ yếu của bộ não là tích hợp thông tin từ môi trường chung quanh. Thông tin giúp chúng ta tương tác với nhau và đi đến những quyết định hàng ngày.
Tuy nhiên, con người có xu hướng nhận dạng thông tin theo cụm. ‘Cụm’ (cluster) ở đây có thể là ý tưởng, thậm chí chữ. Thành ra, nếu chúng ta muốn truyền đạt thông tin có hiệu quả thì nên sắp xếp thông tin theo từng cụm.
Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu cụm? Câu trả lời đơn giản là 3. Ba cụm thông tin. Theo ‘truyền thống’ dân gian và được yểm trợ bởi nhiều nghiên cứu tâm lí thì con người có thể thu nhận 3 ý tưởng một cách dễ dàng. Họ cũng dễ nhớ 3 thông tin chánh. Khi có hơn 3 thông tin thì họ sẽ khó tiếp nhận và càng khó nhớ.
Hoá ra, Qui tắc Tam khoa không phải là một phát minh gì mới mẻ. Chúng ta ai cũng nghe qua ‘Quá tam ba bận’, ý nói rằng phàm ở đời, làm cái gì đến lần thứ 3 mà vẫn không thành thì nên xem lại và tìm cách làm khác.
Người phương Tây cũng có câu ‘tam bận’, như 'Good things happen in threes' (Điều tốt lành xảy ra trong 3 lần/phần). Trong tiếng Latin có mệnh đề "omne trium perfectum" có nghĩa tiếng Anh là 'everything that comes in threes is perfect', hiểu nôm na là bất cứ cái gì tốt hay không tốt lành mà xảy ra 3 lần là xem như tột cùng rồi. Xui xẻo 3 lần là quá rồi.
Ông bà ta cũng nói ‘Không ai giàu 3 họ, chẳng ai khó 3 đời’ cũng nằm trong ý tưởng của Qui tắt Tam Khoa.
Ứng dụng của Qui tắc Tam khoa
Nhìn chung quanh, chúng ta dễ thấy Qui tắc này được ứng dụng rất nhiều trong thực tế. Từ chánh trị, kinh doanh, đến nghệ thuật, Qui tắc Tam khoa bàng bạt trong cách nói, viết và sản phẩm.
Thật vậy, có lẽ nắm được qui tắc này mà giới chánh trị đã đưa ra những khẩu hiệu hay tuyên ngôn đơn giản và dễ đi vào lòng người như:
* “Life, liberty, and the pursuit of happiness” (Tuyên ngôn độc lập của Mĩ do Tổng thống Thomas Jefferson soạn thảo)
* “Liberty, Equality, Fraternity" (Phương châm của Chánh phủ Pháp)
* “Government of the people, by the people, for the people" (bài Diễn thuyết Gettysburg của Tổng thống Abraham Lincoln).
* “Duty – Honor – Country" (motto của Thống tướng Douglas MacArthur)
* “Tổ quốc, Danh dự, Trách nhiệm" (lời thề của quân đội VNCH)
* “Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng" (triết lí giáo dục thời VNCH)
và nhiều ví dụ tương tự.
Một trong những ứng dụng thiết thực nhứt của Qui tắc Tam khoa là cách soạn một báo cáo khoa học. Chiếu theo qui tắc này thì một báo cáo khoa học chỉ nên cấu trúc thành 3 phần thôi, ví dụ như:
* Câu hỏi nghiên cứu
* Phương pháp
* Kết quả và kết luận
Và, mỗi phần cũng chỉ có 3 phần nhỏ. Ví dụ như phần câu hỏi nghiên cứu chỉ nên nói qua cái gì đã biết, cái gì chưa biết và câu hỏi nghiên cứu là gì. Các phần khác cũng nên cấu trúc theo công thức 3 phần. Làm như vậy thì bài báo cáo sẽ giúp cho khán giả dễ theo dõi.
Cấu trúc trên cũng chẳng khác gì cấu trúc mà thầy cô thời trung học hay dạy. Theo đó, một bài văn nên được cấu trúc theo công thức 3 phần: mở bài, thân bài, và kết luận. Phần mở bài là phần giới thiệu chủ đề nhằm thu hút sự chú ý của khán giả. Phần thân bài bao gồm thông tin, dữ liệu hay chứng từ yểm trợ cho phần chủ đề. Phần thân bài cũng có thể sắp xếp theo Qui tắt Tam Khoa, tức chỉ trình bày 3 điểm mà thôi. Sau cùng là phần kết luận là tóm tắt cái ý chánh được đề ra trong phần dẫn nhập. Cách cấu trúc bài nói chuyện theo công thức Tam Khoa này có hiệu quả rất tốt vì không chỉ ngắn gọn mà còn làm cho khán giả dễ tiếp nhận và nhớ cái thông điệp chánh của bài nói chuyện.
Nhà hiền triết Aristotle từng đề cập đến một công thức 3 phần mà ông mô tả là ‘3 công cụ' đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục và biện luận:
* ethos (đạo đức) là công cụ mà bạn có thể dùng để xây dựng niềm tin và đạo đức, và từ đó người ta tin vào những gì bạn phát biểu;
* logos (lí giải) là công cụ bạn có thể dùng để trình bày các luận điểm một cách logic;
* pathos (cảm tính) là cách bạn thiết lập tầm quan trọng của chủ đề nhằm thuyết phục diễn đàn.
Ngay cả khi diễn giải một ý tưởng phức tạp, có lẽ chúng ta cũng chỉ tập trung vào 3 phần chánh. Chẳng hạn như nhà thần kinh học nổi tiếng Paul Maclean mô tả bộ não con người như là 3 địa hạt:
* primal brain (não ban sơ) là nơi sản sinh ra những phản ứng nhanh trước mỗi tình huống cấp bách;
* rational brain (não lí trí) là nơi phân tích thông tin và giúp chúng ta lí giải và đi đến những quyết định trước mỗi tình huống;
* emotional brain (não cảm tính) là nơi sản sinh cảm giác và cảm tính.
Tóm lại, nên nhớ rằng con người chúng ta chỉ có thể tiếp thu tốt 3 thông tin, hơn 3 là bắt đầu có vấn đề. Qui tắc Tam khoa rất có ích trong kĩ năng truyền đạt thông tin đến công chúng. Dù các bạn là người làm trong lãnh vực khoa học, y tế, nghệ thuật, hay cả chánh trị, thì Qui tắt Tam khoa đều có thể ứng dụng để truyền tải ý tưởng đến công chúng một cách có hiệu quả.
____
PS: Hơi lạc đề một chút, nhưng ông cựu Tổng thống (à quên, ‘Chủ tịch Nước’) cũng dùng cách nói tam khoa (“Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á”) để minh oan. Nhưng có lẽ ổng chỉ dùng nó như là một sự ngẫu nhiên hơn là có ý thức.

https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/pfbid02zTY14GDhwvWuny9Ussrv2F5mjoc8teWbJ1Xq3eJ3vZb4QTBrzq7QT73AmdRiwatdl